Là linh vật truyền thống của Hội An trong dịp Tết Trung thu, Thiên Cẩu có vẻ ngoài hung dữ hơn lân và cách múa dựa theo các thế võ.
Vào dịp Tết Trung thu, trên đường phố nhiều tỉnh thành đều có những màn múa lân sư rồng hoành tráng và đẹp mắt. Nhưng cho đến trước nửa cuối thế kỷ XX, ở Hội An chưa có múa lân hay sư tử. Người dân phố Hội chỉ quen thuộc với múa Thiên Cẩu, theo trang thông tin điện tử Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam.
"Thiên Cẩu hay chó nhà trời là linh vật truyền thống của Hội An", anh Nguyễn Hưng (50 tuổi), nghệ nhân có hơn 30 năm kinh nghiệm làm Thiên Cẩu ở Hội An cho biết. Thiên Cẩu có mặt trong huyền tích của nhiều nước phương Đông cũng như phương Tây liên quan đến nhật thực, nguyệt thực, hiện tượng nuốt, nhả mặt trăng mang ý nghĩa báo hiệu sự tốt đẹp của mùa màng, theo cổng thông tin Địa lý và Du lịch tỉnh Quảng Nam.
Thiên Cẩu có vẻ ngoài hung dữ hơn lân với chiếc sừng to trên đỉnh đầu, cong về phía trước, giữa trán là gương trừ tà, có mang, mắt cá, mày gai, mũi to và bành. "Thiên Cẩu trông già và trầm hơn lân, hàm chúi xuống thấp giống tư thế chồm tới còn hàm lân có dáng ngước lên cao", anh Hưng nói.
Múa Thiên Cẩu là loại hình múa dân gian có nguồn gốc lâu đời, liên quan đến ước mơ trăng tròn, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của người làm nông. Múa Thiên Cẩu gắn liền với Tết Trung Thu, một thời điểm quan trọng trong lịch mùa vụ nông nghiệp, đặc biệt là mùa lúa nước. Bên cạnh đó, hoạt động buôn bán ở phố cổ Hội An trước đây phát triển mạnh, múa Thiên Cẩu còn mang ý nghĩa cầu phúc, cầu tài lộc, nên được thấy cả trong Tết Nguyên đán hay những buổi lễ khai trương cửa hàng.
Theo anh Hưng, trước đây, Hội An có hơn 20 hộ làm đầu lân, Thiên Cẩu, song hiện gần như chỉ còn mình anh bám trụ với nghề. Cơ sở của anh Hưng ở tổ 8, thôn Trảng Kèo, xã Cẩm Hà, TP Hội An, làm quanh năm nhưng cao điểm vẫn là Tết Trung thu.
Quy trình làm đầu Thiên Cẩu khá tương đồng với làm đầu lân, chỉ khác ở một vài chi tiết khi lên khung để tạo những nét đặc trưng cho hai linh vật. Anh Hưng cho biết nguyên liệu để tạo nên khung một chiếc đầu Thiên Cẩu gồm vành nhôm, tre vót thành mảnh, sợi mây, băng keo. Những thanh tre sử dụng làm đầu đều phải uốn bằng tay cho cong đều, cân xứng rồi dùng băng keo hoặc sợi mây làm mối nối. Khung hoàn chỉnh phải đảm bảo độ cân xứng, các mối nối nhỏ, tinh tế, những đường lồi lõm phải rõ nét.
Bước tiếp theo là đi keo lên tất cả thanh tre ở phần khung rồi dùng vải căng ra, dán lên toàn bộ khung. Vải được dùng là loại vải mỏng, thưa, căng phủ lên khung sẽ nhanh và đẹp hơn, giúp chiếc đầu chắc chắn, không bị rách, toạc khi múa. Sau đó người thợ mất khoảng hai tiếng để bồi giấy. Vì đầu Thiên Cẩu có độ cong nhiều nên giấy được cắt mảnh nhỏ, quét keo sữa rồi dán lần lượt từng mảnh cho đến khi phủ kín. Công đoạn tiếp theo là sơn lót để che khít viền của những mảnh giấy, đồng thời giúp lớp sơn màu lên được tươi, đẹp và bền hơn.
Khâu quan trọng nhất, đòi hỏi sự sáng tạo và gu thẩm mỹ của người chế tác để tạo nên một chiếc đầu đẹp là sơn màu và vẽ họa tiết. Thần thái của Thiên Cẩu được tập trung ở phần đầu với các màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Họa tiết lửa là hoa văn truyền thống để tạo nên vẻ sinh động, mạnh mẽ của những chiếc đầu Thiên Cẩu. Do vậy, màu sắc được sử dụng thường là màu đỏ, vàng, xanh, trắng, đen. Hàm dưới Thiên Cẩu là một miếng bìa gắn thêm những dải dây trắng làm râu.
Đến cơ sở của anh Hưng tham quan ngày 20/9, Nguyễn Đình Hoàng Khánh (29 tuổi, TP HCM) cho biết đây là lần đầu tiên anh nghe đến linh vật này. "Thiên Cẩu và lân thoạt nhìn giống nhau nhưng quan sát kỹ thì Thiên Cẩu trông hung dữ và oai vệ hơn với sừng và đôi mắt có hình dáng như đang gườm", anh nói.
Khánh đặc biệt ấn tượng với chiếc đầu Thiên Cẩu lớn, dài khoảng 2 m, đuôi dài 15 m. Anh Hưng cho biết chiếc đầu này sẽ tham gia vào buổi lễ diễu hành ngày 28/9 (14/8 âm lịch) tại phố cổ Hội An.
Cắm trại bên vách đá trắng ngắm sông Nho Quế Di chuyển theo "cung đường chân mây" đến vách đá trắng…
Xem chi tiếtThác Bản Giốc vào top đẹp nhất thế giới Tạp chí Travel + Leisure vừa công bố 21 thác nước đẹp nhất…
Xem chi tiếtKinh nghiệm du lịch Việt Nam trọn vẹn 12 tháng trong năm Mỗi ngày, mỗi tháng, từng phút, từng giây đều…
Xem chi tiếtNăm nay, du khách có thể tận hưởng mùa thu Nhật Bản, ngắm khung cảnh lá vàng - lá đỏ từ…
Xem chi tiếtChọn đúng tuyến phố tham quan và thời điểm chụp ảnh là điều du khách cần lưu ý khi tham…
Xem chi tiếtNgày 31 tháng 12 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1954/QĐ-TTg xếp hạng di tích…
Xem chi tiết